Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là bệnh lý mãn tính khá phổ biến, tiến triển tăng dần từ từ gây đau, thường gặp ở người lớn tuổi và/hoặc liên quan đến tư thế vận động. Là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm thiểu lượng dịch khớp

Triệu chứng thoái hóa khớp

Tùy vào vị trí khớp bị thoái hóa mà triệu chứng thể hiện ra khác nhau. Nhìn chung, người bệnh sẽ gặp rất nhiều triệu chứng dai dẳng, kéo dài, gây hạn chế vận động, khiến cho cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, suy nhược. Dưới đây là một vài triệu chứng thường gặp.

Đau nhức

Cơn đau âm ỉ, tăng lên vào sáng sớm, buổi tối hoặc khi co duỗi các khớp. Khi vận động có tiếng lạo xạo ở đầu gối. Khi thời tiết thay đổi, nhất là lúc không khí lạnh tràn về, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Cứng khớp

Cứng khớp vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy cũng là một trong những triệu chứng của bệnh. Trong thời gian ngủ, người bệnh không cử động khiến các khớp dần bị cứng lại. Lúc này bạn không thể thực hiện động tác co duỗi chân. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ giảm dần sau một vài phút xoa bóp, vận động.

Hạn chế vận động

Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong thực hiện các động tác hàng ngày như: đi lại, nhấc chân, đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang, quay cổ,… Giai đoạn nặng, người bệnh còn bị mất thăng bằng và dễ ngã khi đi lại.

Biến dạng khớp

Triệu chứng này xảy ra khi bệnh đã bước vào giai đoạn nặng, sụn bị tổn thương nghiêm trọng, xuất hiện các gai xương. Tình trạng này khiến các khớp bị sưng to và biến dạng. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách thì người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tàn phế.

Nguyên nhân bệnh thoái hóa khớp

  • Do quá trình lão hóa của tổ chức sụn, tế bào và tổ chức khớp và quanh khớp (cơ cạnh cột sống, dây chằng, thần kinh…). 
  • Do tình trạng chịu áp lực quá tải lên sụn khớp và đĩa đệm lặp đi lặp lại kéo dài trong nhiều năm dẫn đến sự tổn thương sụn khớp, phần xương dưới sụn, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng bao khớp tạo nên những triệu chứng và biến chứng trong thoái hóa xương khớp.
  • Là hậu quả của nhiều yếu tố: tuổi cao, nghề nghiệp lao động nặng.
  • Một số nguyên nhân khác như: tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, di truyền, tư thế lao động … 

Điều trị bệnh thoái hóa khớp

Bệnh thoái khớp thuộc bệnh mãn tính và không thể điều trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị giúp cải thiện các cơn đau, phục hồi chức năng của khớp, đồng thời phòng ngừa phát sinh biến chứng. Bên cạnh đó, điều trị thoái hóa khớp còn giúp bảo tồn chức năng của khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống.

SỬ DỤNG THUỐC TÂY ĐIỀU TRỊ

Các loại thuốc điều trị thóa hóa khớp thường được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp cơn đau ở khớp trở nên nặng nề và khởi phát thường xuyên. Việc sử dụng thuốc điều trị có ưu điểm phát huy tác dụng nhanh, bên cạnh khắc phục các cơn đau hiệu quả, thuốc còn cải thiện các biểu hiện đi kèm.

Tuy nhiên, phương pháp điều trị này có thể ảnh hưởng đến chức năng của thận, gan, dạ dày,  nhất là ở những đối tượng có bệnh lý nền và người cao tuổi. Do đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc sử dụng các loại thuốc tây điều trị trong giai đoạn bệnh tiến triển.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ NGOẠI KHOA

Trường hợp không đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa, lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị ngoại khoa. Cụ thể với những trường hợp khớp bị tổn thương nghiêm trọng có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng vận động. Phương pháp điều trị ngoại khoa với bệnh thoái hóa khớp hiện nay bao gồm điều trị nội soi khớp và thay khớp nhân tạo.

Tuy nhiên, điều trị ngoại khoa thường đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn. Do đó, trước khi thực hiện, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của phương pháp.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÔNG DÙNG THUỐC

Đây là phương pháp điều trị được ưu tiên đối với các trường hợp thoái hóa khớp. Bởi phương pháp này có tính an toàn cao, thích hợp với những bệnh nhân lớn tuổi, không gây ra tác dụng phụ, đồng thời cải thiện các cơn đau ở khớp hiệu quả.

Một số biện pháp điều trị thoái hóa khớp không sử dụng thuốc mà bạn có thể tham khảo: vật lý trị liệu, sử dụng đai, hạn chế hoạt động nặng…

Cách phòng bệnh thoái hóa khớp

  • Chủ động theo dõi sức khỏe nhằm phát hiện sớm và chữa trị kịp thời những dị tật ở cấu trúc khớp như khớp bị vẹo ngoài, vẹo trong, lệch trục khớp,…
  • Tránh các tư thế cột sống cổ bị quá tải do vận động và trọng lượng, tránh các động tác mạnh đột ngột tại cột sống cổ …
  • Duy trì luyện tập thể dục, thể thao sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa ở khớp, tăng khả năng phục hồi mô sụn và chức năng của khớp. Tuy nhiên, người bệnh nên ưu tiên một số bộ môn vận động với cường độ nhẹ như đi bộ, yoga, thiền, bôi lội,…
  • Giáo dục tư vấn các bài tập tốt cho cột sống, xương khớp sửa chữa các tư thế xấu.
  • Với những trường hợp thừa cân, béo phì cần chủ động giảm cân, duy trì cân nặng phù hợp với cơ thể. Tình trạng béo phì, thừa cân còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như bệnh tiểu đường, tim mạch, gút,…
  • Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Tuy không tác động trực tiếp đến ổ khớp nhưng việc thiết lập lối sống lành mạnh, loại bỏ những thói quen xấu sẽ hỗ trợ hoạt động chuyển hóa, tăng cường sức đề kháng và làm chậm quá trình thoái hóa khớp hiệu quả.